Có rất nhiều tranh cãi xung quanh chiến thắng của Messi bởi lẽ không ít người cho rằng tiền đạo này đã ở độ tuổi xế chiều và không có đóng góp gì quá nổi bật trong cả màu áo đội tuyển quốc gia Argentina lẫn CLB Barcelona.
Mới đây, Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) đã tổ chức đêm trao giải The Best 2019 tại Milan, Italia. Lionel Messi chính thức đoạt giải thưởng danh giá The Best của FIFA dành cho "Cầu thủ xuất sắc nhất năm". Messi đã vượt qua ứng cử viên nặng ký Van Dijk và kình địch lâu năm C. Ronaldo nhờ thành tích cá nhân nổi bật ở mùa giải vừa qua.
Với việc Messi đã ở độ tuổi xế chiều và không có đóng góp gì quá nổi bật trong cả màu áo đội tuyển quốc gia Argentina lẫn CLB Barcelona, trong khi Virgil van Dijk đã có một mùa giải xuất sắc góp phần đưa Liverpool đến chức vô địch Champions League, còn Ronaldo là nhân tố chính giúp Juventus vô địch Serie A, kết quả do FIFA công bố gây bất ngờ trong giới bóng đá .
Mọi chuyện đang trở nên phức tạp hơn khi một số người lên tiếng tố cáo FIFA gian lận phiếu bầu cho Messi.
Đầu tiên là HLV trưởng Zdravko Logarusic của đội tuyển Sudan. HLV Logarusic cho biết ông chọn Mohamed Salah ở vị trí cao nhất nhưng kết quả FIFA đưa ra lại xếp Messi số một. Ông nói: "Tôi thậm chí không bầu cho Messi. Tôi chọn Salah số một, Mane số hai và cuối cùng là Kylian Mbappe".
Tiếp đến, đội trưởng tuyển Nicaragua là Juan Barrera cũng khẳng định anh không bầu cho Messi. Barrera chia sẻ trên trang cá nhân: "Tôi không bầu chọn bất cứ hạng mục nào ở The Best 2019. Vì thế, kết quả lá phiếu của tôi là giả mạo".
Barrera nói thêm với tờ La Prensa: "Năm ngoái tôi bỏ phiếu cho Messi, nhưng năm nay thì không".
Ngoài ra, trang chủ FIFA cũng không công khai phiếu bầu của HLV tuyển Ai Cập Shawky Ghareeb và đội trưởng tuyển nước này Ahmad Elmohamady.
Liên đoàn Bóng đá Ai Cập, quê hương của Mohamed Salah, yêu cầu FIFA giải thích lý do tại sao phiếu bầu của HLV đội tuyển quốc gia quốc gia nước này, ông Shawki Ghareeb và đội trưởng Ahmed Elmohamady không được tính đến.
FIFA cũng đã giải thích do hai lá phiếu từ phía Ai Cập có chữ ký là chữ in hoa nên không được cho là hợp lệ. Tuy nhiên, lời giải thích này từ FIFA không thuyết phục bởi phía Liên đoàn bóng đá Ai Cập cho hay họ gửi phiếu bầu đến FIFA vào ngày 15/8, tức là 4 ngày trước hạn chót theo yêu cầu của FIFA.
Đây không phải lần đầu tiên FIFA gây tranh cãi trong các cuộc bầu chọn giải thưởng. Trước đây, tổ chức này cũng bị tố gian lận ở Quả bóng vàng 2014 và 2015 khi kết hợp cùng France Football.
Quốc Tiệp (tổng hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét