Hành vi đốt pháo sáng phạt 70 triệu đồng, cấm sân một trận không đủ sức răn đe

Sau khi để tình trạng đốt pháo sáng ở sân Hàng Đẫy trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng FC, Ban kỷ luật VFF đã quyết định phạt đội chủ nhà 70 triệu đồng và phải thi đấu một trận sân nhà mà không có khán giả. Tình trạng này liên tục diễn ra thì liệu khung hình phạt này có đủ sức răn đe?

Sáng ngày 24/4, Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đánh giá Ban tổ chức trận đấu sân Hàng Đẫy quản lý không tốt, dẫn tới tình trạng pháo sáng ngập tràn. Vì vậy, CLB Hà Nội bị phạt đá trên sân không khán giả gặp CLB TP.HCM ngày 27/4 đồng thời cả hai đội bóng đều phải nộp phạt 70 triệu đồng. Tuy nhiên nhiều người cho rằng mức phạt này chưa đủ sức nặng để răn đe bởi pháo sáng là câu chuyện muôn thuở mà năm nào cũng có.

Điều này cũng không sai bởi về lý thuyết, công tác an ninh tại các SVĐ khá lỏng lẻo vì thiếu người hoặc do một vài lý do khác vô tình tiếp tay một số CĐV quá khích ngang nhiên mang pháo sáng vào sân. Thử hỏi, đây mới chỉ là pháo sáng thôi chứ nếu những nhóm người quá khích này mang vào sân những vật còn nguy hiểm hơn thì sẽ ra sao?

Thể thao - Hành vi đốt pháo sáng phạt 70 triệu đồng, cấm sân một trận không đủ sức răn đe

Mức phạt 70 triệu đồng cùng treo sân một trận vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thành thật mà nói, việc một nhóm CĐV quá khích của CLB Hải Phòng sử dụng pháo sáng hay "tuồn" pháo vào sân là lỗi của họ thì những người đó xứng đáng bị xử phạt nhưng việc ban quản lý sân Hàng Đẫy để cho họ ngang nhiên mang pháo vào sân như chốn không người mà không phát hiện hoặc bị lờ đi thì việc bị xử phạt treo sân là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên với mức phạt 70 triệu đồng cùng treo sân một trận liệu đã đủ sức răn đe hay chưa thì vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Trên thực tế, việc tái phạm rồi xử phạt rồi lại tái phạm đã diễn ra liên tục trong những năm qua nhưng xử phạt như vậy thực chất vẫn chưa đủ sức răn đe. Hình ảnh những cơn mưa pháo sáng như vậy không thể coi đó là sự cuồng nhiệt bình thường nữa mà nói rộng ra đây chính là hành vi phá rối có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng.

Chúng ta cần phải biết, nếu cứ để tình trạng pháo sáng này tiếp tục diễn ra trên các SVĐ thì bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Nói rộng ra, nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý mạnh tay thì dần dần từ việc đốt pháo sáng đơn thuần sẽ hình thành những hội, nhóm quá khích, holigan. Họ sẵn sàng đánh nhau, đập phá khi đội nhà thua trận như những gì mà bóng đá Malaysia đang gặp phải với một nhóm những Ultras cực đoan.

Nếu không muốn viễn cảnh này xảy ra trong tương lai thì có lẽ rằng mức phạt 70 triệu đồng cùng treo sân một trận là không đủ mà các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn, quyết liệt hơn từ công tác tuyên truyền cho đến xử phạt.

Giờ đây, chúng ta không thể trông cậy vào ý thức của những CĐV quá khích nữa mà cần mạnh tay xử lý vì rõ ràng là họ không hề ý thức được sự nguy hiểm của pháo sáng đem lại với mọi người. Nên chăng, chúng ta hãy học theo những nước có nền bóng đá phát triển như Italia, Anh hay Đức? Họ đã rất thành công trong việc giảm thiểu cũng như ngăn chặn hành vi đốt pháo sáng trong và ngoài sân. Đã đến lúc VFF nên đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị ghi hình trên các SVĐ để ghi lại những hành vi đốt pháo hay quấy rối trên các khán đài. 

Bên cạnh đó, nếu phát hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo sáng chúng ta có thể mạnh tay trục xuất những cá nhân hay tập thể đó đến sân vĩnh viễn hay có thời hạn tùy vào mức độ. Hoặc nữa, nếu phát hiện CĐV của đội bóng nào có hành vi đốt pháo sáng thì VFF hoàn toàn có thể xử lý bằng cách xử thua đội bóng đó và nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì có thể không cho đội bóng đó tham dự V.League nữa mà đẩy xuống giải Hạng Nhất.

Xét trên khía cạnh nào đó thì xử phạt 70 triệu đồng và treo sân một trận không hề nặng chút nào bởi nếu nghĩ rộng ra thì việc làm này nhiều khi cố ý hay vô tình cũng sẽ gây nguy hiểm cho mọi người bất kể già, trẻ.

Nhận xét